![]() |
Biển Đông - tranh chấp đa phương, đa chiều lợi ích. Tự ta phải giữ chủ quyền cho ta thôi, chớ tin kẻ "cờ ngoài", đừng trông chờ thằng nào... |
Tổng quan tranh chấp Hoàng Sa, Trường Sa
Việt Nam có đầy đủ bằng chứng pháp lý, lịch sử để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Việt Nam là quốc gia đầu tiên xác lập chủ quyền và là quốc gia duy nhất quản lý liên tục, hòa bình, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
Tuy nhiên, Trung Quốc cũng tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và toàn bộ quần đảo Trường Sa. Hơn thế, Trung Quốc còn đưa ra “đường lưỡi bò - cow's tongue line”, đòi chủ quyền hơn 80% diện tích Biển Đông. Đài Loan (Trung Quốc) cũng tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và toàn bộ quần đảo Trường Sa. Philippines tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn quần đảo Trường Sa (trừ đảo Trường Sa, bãi Đá Lát ở phía Tây và một số bãi ở phía Nam quần đảo), gọi khu vực nước này tuyên bố chủ quyền là Nhóm đảo Kalayaan. Malaysia tuyên bố chủ quyền một phần phía Nam quần đảo Trường Sa. Bruney cũng cho rằng một phần khu vực quần đảo Trường Sa thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của nước này. Theo tài liệu của Ủy ban Biên giới quốc gia Việt Nam, Trung Quốc đang chiếm đóng 7 bãi đá tại quần đảo Trường Sa, Đài Loan (Trung Quốc) chiếm đóng đảo lớn nhất trong quần đảo là đảo Ba Bình, Philippines đang chiếm đóng 9 đảo/bãi trong quần đảo Trường Sa, Malaysia đang chiếm đóng 5 đảo/bãi trong quần đảo Trường Sa.
Như vậy, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông là vấn đề quốc tế, đa phương, khá phức tạp (trong bài này tôi chỉ nêu những tranh chấp liên quan đến quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa, không nêu nhiều tranh chấp chủ quyền khác và những tranh chấp không phải về chủ quyền mà về lợi ích). Lâu nay, Trung Quốc không chịu đàm phán quốc tế, đa phương, chỉ muốn đàm phán song phương với từng nước có tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với Trung Quốc. Lập trường này của Trung Quốc nhằm phục vụ những lợi ích, mưu đồ của họ, nên không được Việt Nam và nhiều nước khác chấp nhận. Thế nhưng tại Việt Nam, một số người lại có hướng cho rằng các vấn đề, sự kiện ở Biển Đông, ở Trường Sa chỉ là vấn đề giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cách nhìn ấy sẽ dẫn đến những luận giải, phản ứng chưa đúng.
0 nhận xét:
Đăng nhận xét