Thứ Sáu, 24 tháng 3, 2017

Phân tích bài hát “Màu hoa đỏ” của Đại tá – Nhạc sĩ Thuận Yến

Phân tích bài hát “Màu hoa đỏ” của Đại tá – Nhạc sĩ Thuận Yến phổ thơ Nguyễn Đức Mậu vừa bị cấm!
(Style của nhà báo Nguyễn Lưu và nhà phê bình âm nhạc Nguyễn Thụy Kha).

Ngay từ những câu đầu tiên của bài hát này đã có vấn đề nghiêm trọng,

“Có người lính
Từ mùa thu ấy ra đi từ mái tranh nghèo
Có người lính
Mùa xuân ấy ra đi từ ấy không về “.
Phân tích bài hát “Màu hoa đỏ” của Đại tá – Nhạc sĩ Thuận Yến
 Người lính này là người lính nào, mùa thu ấy là mùa thu nào, mái tranh nghèo ấy là mái tranh nghèo nào?

Mùa thu Cách mạng Tháng Tám vĩ đại bao nhiêu hiển hách, mùa thu Tháng Mười nước Nga sừng sững cùng thế giới, vậy thì tại sao mùa thu ấy lại có thể khiến một người lính từ mái tranh nghèo ra đi? Mà đã có mùa thu ấy thì tại sao lại nghèo? Tại sao người lính không ở trong nhà xem tivi, nghe nhạc mà lại ra đi, ra đi là ra đi đâu? Quan trọng hơn, đã có mùa thu ấy tại sao còn dám nghèo?

“Dòng tên anh khắc vào đá núi
Mây ngàn hoá bóng cây tre
Chiều biên cương trắng trời sương núi
Mẹ già mỏi mắt nhìn theo “.

 Người lính có ra trận là phải xung phong, phải khao khát báo đền món nợ sơn hà. Chứ người lính ra trận làm sao có thể vui nỗi vui tiểu tư sản mại bản là còn chơi trò khắc tên vào núi? Khắc vậy rồi lưỡi lê mòn thì làm sao có thể tấn công quân thù?

Nói chiều biên cương trắng trời sương núi rồi còn đôi mắt mẹ già nữa có phải là nỗi buồn ủy mị hay không? Viết như vậy là muốn cho nhuệ khí của quân ta sút giảm đúng không? Người lính ra trận mà yếu đuối tâm hồn, xúc động tình cảm vậy thì không có đủ thời gian để khóc chứ hy vọng gì vào sức chiến đấu.

“Việt Nam ơi ! Việt Nam !
Núi cao như tình mẹ bốn mùa tóc bạc nỗi thương con
Việt Nam ơi ! Việt Nam !
Ngọn núi nơi anh ngã xuống
Rực cháy lên màu hoa đỏ phía rừng xa
Rực cháy lên màu hoa đỏ phía hoàng hoàng hôn”.

 “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”, đó mới là đích đến cuối cùng của những chiến binh kiêu dũng trời Nam. Đằng này, ca từ của bài hát lại nỉ non, khóc hời, lại tỏ ra mùi mẫn, than van.

Người anh hùng ngã xuống cho tổ quốc, “Áo bào thay chiếu anh về đất”, còn đằng này lại rực cháy lên nghĩa là làm sao? Là muốn hỏa thiêu những người con ưu tú của dân tộc này à?

Quá phản động và xuyên tạc, cấm là tuyệt đối chính xác. Thậm chí nếu cần, thì còn phải tính đến phương án phạt nghiêm khắc vì thế hệ trẻ lỡ hiểu sai rồi sa vào con đường mê muội thì thật là tai hại

NNH

Bài cùng chủ đề

0 nhận xét:

Đăng nhận xét